Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Đắk Nông là một tỉnh vùng dân tộc thiểu số với 40 thành phần dân tộc cùng sinh sống. Số hộ là người dân tộc thiểu số có 47.321/168.841, chiếm  28,02% số hộ trên toàn tỉnh, nhưng số hộ nghèo và hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số lại chiếm tới 63,5% so với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh (13.448/21.170 hộ). Điều này đã đặt ra cho chính quyền các cấp của tỉnh Đắk Nông những khó khăn, thách thức lớn, trong đó có vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã ăn sâu, bám rễ vào phong tục, tập quán, lối sống, nhận thức bao đời nay. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tạo những hệ lụy nghiêm trọng: chất lượng dân số suy giảm, suy thoái giống nòi, làm mất đi cơ hội học tập, việc làm tốt, cơ hội để cải thiện điều kiện cuộc sống, ảnh hưởng nặng nề  đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em, …là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, ngày 14/4/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Trong 5 năm thực hiện (từ 2015 -2020), chính quyền các cấp của tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện; xây dựng 02 mô hình điểm tại huyện Đắk Glong; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lồng ghép các cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật khác, với nhiều hình thức: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên sóng phát thanh, truyền hình, qua báo, đài, mạng xã hội, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật, nói chuyện chuyên đề, hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý tại cộng đồng, xã, thôn, bon, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, sổ tay tuyên truyền, các pano tuyên truyền. Bên cạnh đó, chính quyền cấp huyện, xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng một số mô hình, câu lạc bộ tư vấn, thành lập các hội, nhóm, câu lạc bộ như: “không sinh con thứ ba”, “phụ nữ làm kinh tế giỏi”; cam kết “không vi phạm pháp luật”, Câu lạc bộ phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy- nhà lánh, tổ hòa giải,….

Các hoạt động truyền thông, triển khai mô hình điểm, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền được triển khai đã góp phần bước đầu làm thay đổi nhận thức của người dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tình trạng hôn nhân cận huyết thống có xu hướng giảm đặc biệt trong vùng dân tộc M’Nông. Chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã đã nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng việc xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí.

Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn trong thực tế cao hơn so với số liệu báo cáo của các cấp chính quyền và có chiều hướng tăng từ năm 2019, đặc biệt từ năm 2020 khi đại dịch Covid – 19 xảy ra, kéo theo tình trạng người dân tộc thiểu số bỏ học gia tăng. Những trường hợp tảo hôn chủ yếu là người dân tộc Mông. Nguyên nhân một phần là do việc điều tra, thu thập thông tin các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, đa số các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng sâu, hẻo lánh; các địa phương chủ yếu nắm số liệu khi người dân đăng ký giấy khai sinh cho con khi các cháu đến tuổi đi học hoặc thực hiện các quyền lợi khácCác hoạt động truyền thông tại địa phương cũng gặp nhiều khó khăn do rào cản về ngôn ngữ; trình độ học vấn thấp, tỷ lệ mù chữ trong vùng dân tộc thiểu số còn cao, đối tượng thanh, thiếu niên ít tham gia, nên hiệu quả chưa đạt. Nội dung, phương pháp, công cụ, tài liệu truyền thông chưa phù hợp như: chưa có tài liệu biên soạn bằng tiếng dân tộc thiểu số, một số địa phương trên địa bàn vùng trũng, sâu, xa nên tần số hệ thống sóng phát thanh, sóng 4G chưa đảm bảo; một số cán bộ địa phương phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, kỹ năng, kinh nghiệm về tuyên truyền, tư vấn, vận động còn thiếu và hạn chế, chưa phối hợp tốt với già làng, chức sắc, người có uy tín để thực hiện; chưa có nhiều nguồn lực để hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (trong giai đoạn 2015 – 2020 các cấp chính quyền chỉ bố trí 508 triệu đồng). Nhận thức của người dân còn hạn chế, phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại ở một số vùng và ăn sâu trong nhận thức của người dân nên việc tuyên truyền, vận động, thay đổi hành vi trong hôn nhân gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Bên cạnh đó, cuộc sống khó khăn khiến các em phải bỏ học khi đang trên ghế trường trung học cơ sở, lập gia đình để tăng thêm lao động, hoặc họ cho con tham gia lao động sớm để giảm áp lực về kinh tế cho gia đình. Những nguyên nhân, yếu tố trên đã làm quá trình thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trong 5 năm gặp nhiều khó khăn, cản trở, hiệu quả không đạt như mong muốn.

Để bảo đảm đạt được mục tiêu chung của Đề án trong giai đoạn II (năm 2021-2025), chính quyền các cấp và cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, các cơ quan, đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau, có giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn để thực hiện kế hoạch trong giai đoạn II phù hợp hơn; bố trí kinh phí để thực hiện; tài liệu cần được biên soạn, dịch sang tiếng dân tộc thiểu số, ưu tiên dịch sang ngôn ngữ có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao (như Tiếng Mông, M’Nông); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền. Các cơ quan, đơn vị kết nghĩa phải cùng phối hợp thực hiện tốt công tác kết nghĩa với các thôn, buôn, bon đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân giảm thiểu và xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chăm lo làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tổ chức các lớp xóa mù chữ; có giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, ngăn chặn nguy cơ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống khi học sinh không đến trường, học ở nhà để phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay. Phối hợp tốt với các lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín, và với các nhóm tôn giáo, chức sắc, chức việc trong công tác tuyên truyền, vận động. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; đưa các quy định của pháp luật về kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định và bảo đảm các quyền lợi, chính sách hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em… vào hương ước, quy ước thôn, bon, bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi, dân số và lao động trong tương lai./.


Tin tức nổi bật