Xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay

Vấn đề đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu, coi đó là gốc trong chỉnh thể “đức-tài” của con người. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, cống hiến hết mình vì độc lập của dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức. Người là hiện thân của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, một người cộng sản vĩ đại, đồng thời là một tấm gương sáng về đạo đức để cán bộ, đảng viên và những người dân Việt Nam yêu nước học tập và làm theo.

Đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là những phẩm chất đạo đức mới: trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và có tinh thần quốc tế trong sáng. Những chuẩn mực đạo đức này được Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng trên nền tảng truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, kế thừa các tinh hoa giá trị đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lênin và dựa trên các nguyên tắc cơ bản: Nói đi đôi với làm; tu dưỡng đạo đức suốt đời và nêu gương về đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, đạo đức cách mạng đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa cá nhân và muốn xây dựng đạo đức cách mạng phải “quét sạch chủ nghĩa cá nhân” vì chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân “đẻ ra trăm thứ bệnh”. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân cùng với giặc ngoại xâm và thói quen, hủ tục lạc hậu là 3 loại giặc lớn của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng là quan điểm cốt lõi trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Người căn dặn trong Di chúc: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhầm đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng Đảng từ “gốc” theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cây phải có gốc, nếu không có gốc thì cây héo. Xây dựng Đảng về đạo đức là toàn bộ đội ngũ cán bộ, đảng viên đều phải trao dồi và giữ gìn đạo đức cách mạng, tổ chức đảng từ cơ sở đến Trung ương đều phải trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân. Như vậy, xây dựng Đảng về đạo đức chính là xây dựng sức mạnh nội sinh của Đảng, là nhân tố nền tảng quan trọng để xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm để Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực và uy tín để lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng Đảng về đạo đức là nhu cầu cấp thiết của công tác xây dựng Đảng, là yêu cầu cấp bách có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ chính trị.

Việc nhấn mạnh xây dựng Đảng về đạo đức là một biểu hiện sinh động đổi mới tư duy của Đảng trong công tác xây dựng Đảng. Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đạo đức cách mạng, trong quá trình lãnh đạo, nhất là trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Trải qua các nhiệm kỳ từ Đại hội VI của Đảng đến nay, Ban Chấp hành Trung ương các khóa đều ban hành nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên luôn được xác định là một nội dung rất quan trọng. Tuy nhiên, phải đến Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên nội dung xây dựng Đảng về đạo đức được tách ra thành một nội dung độc lập, được đặt ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ đây, công tác xây dựng Đảng gồm 4 mặt cơ bản: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Có thể nói, xây dựng Đảng về đạo đức là điểm nhấn, là sự bổ sung cần thiết trong đổi mới tư duy về xây dựng Đảng hiện nay, phù hợp với yêu cầu xây dựng Đảng trong điều kiện mới, đáp ứng nguyện vọng của cán bộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Xây dựng Đảng về đạo đức nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn mới. Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là kết quả của một quá trình Đảng khẳng định vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của Đảng đã được toàn dân tộc Việt Nam thừa nhận. Để hoàn thành vai trò duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội cũng như để xứng đáng với niềm tin của  nhân dân, Đảng phải thật sự tiêu biểu về trí tuệ và đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc, phải thật sự “là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Muốn vậy, Đảng phải luôn luôn tự đổi mới và chỉnh đốn. Nó vừa là trách nhiệm chính trị của Đảng trước nhân dân, vừa là sự gương mẫu của Đảng trong đổi mới để thúc đẩy đổi mới của xã hội. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng đòi hỏi phải tiến hành một cách toàn diện và đồng bộ, trong đó xây dựng Đảng về đạo đức vừa là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời để tiến hành xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

Xây dựng Đảng về đạo đức nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI,  tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng đã tổng kết và đánh giá: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”. Tình trạng đó ảnh hưởng không tốt đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự phát triển bền vững của chế độ ta. Vì vậy, xây dựng Đảng về đạo đức phải được đặc biệt coi trọng trong giai đoạn hiện nay, phải tiến hành hành động cụ thể, thường xuyên của tất cả các cấp bộ Đảng, của tất cả mọi cán bộ, đảng viên.

Xây dựng Đảng về đạo đức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Quá trình toàn cầu hóa và sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đưa lại những cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho Việt Nam. Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế mang tính tất yếu và trên thực tế đã đem lại những thành quả to lớn cho nền kinh tế - xã hội, nhưng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, tác động tiêu cực đến đạo đức xã hội. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên là vừa phải có năng lực tư duy, khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn phức tạp nảy sinh, vừa phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đặc biệt là phải rèn luyện đạo đức cách mạng để không bị sa ngã trước mọi cám dỗ. Bởi vậy, xây dựng Đảng về đạo đức trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhằm làm cho mỗi cán bộ, đảng viên xứng đáng với danh hiệu cao quý của những người đứng trong đội ngũ tiên phong, luôn ngang tầm nhiệm vụ được nhân dân yêu mến và tin cậy.

Do vậy, để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn đối với công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay cần làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn sau:

Một là, thống nhất nhận thức về quan niệm và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Trước đây, xây dựng Đảng gồm 3 mặt chủ yếu là: chính trị, tư tưởng, tổ chức. Hiện nay, xây dựng Đảng bao gồm 4 mặt cơ bản là: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Như vậy, xây dựng Đảng về đạo đức là một nội dung độc lập, ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng. Để triển khai công tác xây dựng Đảng với tư duy mới, đòi hỏi phải thống nhất nhận thức quan niệm xây dựng Đảng về đạo đức; làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng Đảng về đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tầm quan trọng của xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, phân tích, cụ thể hóa các nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là làm rõ hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của đảng viên với tổ chức đảng và với nhân dân. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra 10 nhiệm vụ cơ bản của công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay, trong đó nhiệm vụ thứ ba là “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tập trung vào vấn đề nổi cộm nhất, bức thiết nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đó là “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Trên cơ sở đó, chúng ta cần cụ thể hóa thành các nội dung sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan. Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để thống nhất về hệ tiêu chí đạo đức của Đảng trong điều kiện mới và những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của từng cơ quan, đơn vị bằng những quy định cụ thể để tuyên truyền, vận động thực hiện hiệu quả trong thực tiễn.

Ba là, làm rõ thực trạng và những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết, những mô hình, kinh nghiệm tốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là xây dựng Đảng về đạo đức. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng là quá trình lâu dài, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy, tổ chức đảng mà còn đòi hỏi cách làm sáng tạo, linh hoạt, sát hợp với tình hình cụ thể của các cơ quan, đơn vị. Bởi vậy, để xây dựng Đảng về đạo đức hiệu quả, cần thường xuyên tổng kết, làm rõ thực trạng và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết, đặc biệt là cần tổng kết những mô hình, kinh nghiệm tốt từ cơ sở.

Bốn là, làm rõ mối quan hệ hữu cơ và phương thức thực hiện công tác xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền với thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII cùng với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị có quan hệ khắng khít với nhau. Điều này cần được cụ thể hóa bằng những giải pháp cơ bản về cách thức tiến hành.

Năm là, đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng: ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đó là những giải pháp lớn cần quán triệt vận dụng trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng. Để triển khai thực hiện xây dựng Đảng về đạo đức, cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để đưa ra những giải pháp cụ thể thực sự sát thực và phù hợp.

# tinhuy.daknong.gov.vn


Tin tức nổi bật