Một số vấn đề cần quan tâm trong xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay

Mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, xác định:

Đến năm 2020: (1) Thể chế hoá, cụ thể hoá Nghị quyết thành các quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; (2) Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, đảng viên; (3) Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; (4) Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm và rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến năm 2025: (1) Tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hoá, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; (2) Cơ bản bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; (3) Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

- Đến năm 2030: (1) Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; (2) Cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Cụ thể là:

+ Đối với cán bộ cấp chiến lược: Thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; trên 15% dưới 45 tuổi; từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế (đối với quân đội, công an có quy định riêng của Bộ Chính trị).

Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương: Từ 20 - 25% dưới 40 tuổi; từ 50 - 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

+ Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương: Từ 15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi, từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 20 - 25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện dưới 40 tuổi. Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: 100% có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.

+ Đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an: Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, sức chiến đấu cao; có số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; từ 20 - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

+ Đối với đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia: Đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học ở những lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh, đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Số cán bộ khoa học đạt ít nhất 11 người trên 1 vạn dân.

+ Đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước: Nâng cao tính Đảng và ý thức tuân thủ pháp luật; sản xuất kinh doanh hiệu quả; từ 70 - 80%có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

+ Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp. Tỉ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%. Ở những địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, phải có cán bộ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân cư.

          Để đạt được các mục tiêu trên, cần chú trọng một số nội dung như sau:

Một là: Xây dựng nhận thức đúng về đặc điểm, vai trò và các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả lãnh đạo

Hoạt động lãnh đạo, quản lý có vai trò quan trọng hàng đầu đối với hiệu quả, sự phát triển của các tổ chức, địa phương và cả quốc gia. Lãnh đạo là hình thức hoạt động quản lý cấp cao nhất, nhiều thách thức nhất song có khả năng đem lại hiệu quả lớn nhất trong việc thực hiện các chức năng cơ bản của quản lý. Nhà lãnh đạo phải có các kiến thức, kỹ năng làm việc hiệu quả, có năng lực phát triển cấp dưới để thực hiện các mục tiêu tổ chức và phát triển tổ chức bền vững.
Năng lực lãnh đạo, quản trị quốc gia của Việt Nam hiện được quy định, phụ thuộc vào các nhân tố: 1- Đường lối, chính sách, 2- Thể chế, 3- Tổ chức bộ máy, 4- Điều kiện kinh tế, chính trị, 5- Đội ngũ cán bộ, trong đó cán bộ cấp chiến lược có vai trò quan trọng nhất.

Hai là: Chú trọng việc phát hiện, đào tạo cả về lý luận khoa học và thực tiễn, trong đó phát triển năng lực lãnh đạo qua thực tiễn là điều kiện quan trọng nhất

Lãnh đạo, quản lý là một công việc đòi hỏi người thực hiện phải có những tố chất nghề nghiệp phù hợp và có thái độ, kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp. Việc sớm phát hiện và đào tạo các tố chất, phẩm chất và năng lực lãnh đạo từ sớm và tạo môi trường, điều kiện cho họ phát triển theo một lộ trình khoa học là rất cần thiết. Một số nước tiên tiến đã có các chương trình đào tạo kỹ năng và thái độ, hành vi lãnh đạo ngay từ chương trình giáo dục phổ thông và đại học. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ cấp chiến lược của nước ta cần tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Ba là: Công tác đánh giá, bổ nhiệm và bố trí cán bộ phải chú ý đến năng lực và xếp hạng theo hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi người

Các nước phát triển chú trọng trước tiên tới năng lực hoạt động thực tiễn của người lãnh đạo, từ đó phân loại, xếp hạng họ theo chất lượng, đẳng cấp. Cách đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí cán bộ của ta hiện nay vẫn thiên về các chức vụ, vị trí công tác đã kinh qua. Chúng ta cần xây dựng được phương thức đánh giá, sử dụng cán bộ để bảo đảm cán bộ cấp chiến lược phải là những người đạt năng lực cao nhất, là những người xứng đáng được xếp hạng cấp độ cao nhất, tương ứng với cấp độ 4 và 5 như ở các nước phát triển.

Bốn là: Cần có cơ chế phát hiện, đánh giá, sử dụng nhân tài từ khu vực tư nhân và từ xã hội một cách khoa học, hiệu quả để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chiến lược cho hệ thống chính trị

Khu vực kinh tế tư nhân và ngoài xã hội nói chung đã xuất hiện nhiều nhân tài lãnh đạo, quản lý, nhất là các doanh nhân lãnh đạo các doanh nghiệp xuất sắc, có hiệu quả cao, tầm ảnh hưởng lớn. Nhưng theo cơ chế hiện nay họ ít có khả năng và ít có mong muốn làm lãnh đạo, quản lý trong khu vực công, trong hệ thống chính trị. Do đó, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cần chú ý đến nguồn lãnh đạo tài năng này và có cơ chế, chính sách thu hút để họ cống hiến cho đất nước./.

# tinhuy.daknong.gov.vn


Tin tức nổi bật